“ Nắm” thêm Fuso và tới đây khánh thành nhà máy xe bus mới, Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) đang có những bước xúc tiến nhanh và quyết liệt cho chiến lược phát triển sản xuất ô tô nói chung và xe tải, xe bus nói riêng của mình.
Tiền thân của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải – Thaco vào hơn 20 năm trước là xưởng sửa chữa chuyên về ô tô tải, bus. Năm 2002, hưởng ứng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 theo quyết định 175/2002/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ, Thaco đã đầu tư vào sản xuất lắp ráp ô tô khởi đầu là xe tải, xe bus.
Tính đến nay, Thaco đã bán ra trên thị trường Việt Nam hơn 250.000 xe tải và 14.000 xe bus. Riêng năm 2016 đạt 43.787 xe tải 3.312 xe bus chiếm 41% thị phần trên toàn thị trường. Với đầy đủ các chủng loại xe tải thùng, tải ben, tải chuyên dụng các loại, xe bus nội thành, liên tỉnh, xe bus giường nằm và đầy đủ các tải trọng từ 550 kg đến 45 tấn và từ 12 chổ đến 47 chỗ.
Sản phẩm xe tải, xe bus của Thaco đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 25% đến 60%. Thông qua chương trình nội địa hóa này Thaco đã nghiên cứu sản xuất các sản phẩm xe tải, xe bus có cấu hình, công năng phù hợp với nhu cầu sử dụng của khách hàng, điều kiện giao thông tại Việt Nam và nhất là giá thành rất hợp lý mang lại hiệu quả kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách cao nhất cho khách hàng.
Bên cạnh đó, Thaco cũng đã đầu tư mạng lưới showroom và xưởng sửa chữa trên các trục lộ giao thông huyết mạch, rộng khắp tại các tỉnh thành trên cả nước, nhằm hỗ trợ nghiên cứu sản phẩm phù hợp với từng địa bàn, đồng thời cung cấp dịch vụ bảo hành, sửa chữa và phụ tùng thay thế cho khách hàng một cách thuận lợi và kịp thời nhất.
Để duy trì vị thế hàng đầu và theo xu thế phát triển của thị trường nhất là cho giai đoạn hội nhập khu vực Asean vào năm 2018, đồng thời với tầm nhìn của Thaco về sản phẩm xe tải, xe bus là được khách hàng tin dùng nhất Việt Nam và hướng đến xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN. Thaco đã đề ra chiến lược phát triển tiếp một dòng sản phẩm xe tải, xe bus mới với định vị cao cấp hơn và đầy đủ các chủng loại, tải trọng.
Năm 2016, Thaco “bỏ” hơn 2.100 tỷ đồng đầu tư Dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô với sản phẩm xe bus lớn và mini bus. Dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô của Thaco thực hiện trên cơ sở hợp tác, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) sẽ giúp Việt Nam sản xuất ra xe bus có tiêu chuẩn khí thải Euro 5 và hướng đến xuất khẩu sang thị trường khu vực ASEAN.
Nhà máy xe bus mới có công suất khoảng 20.000 xe/năm, gồm 8.000 xe bus lớn và 12.000 xe mini bus sẽ do 2 đối tác là Thaco và Hyundai cùng triển khai.
Cũng tại Dự án này, Công ty TNHH MTV Sản xuất và Lắp ráp ô tô khách Trường Hải (Thaco Bus) đã được Tập đoàn Hyundai chấp thuận cho phép nội địa hóa các linh kiện, chi tiết của xe mini bus H350 với các chi tiết như bộ ghế hành khách, bộ dây điện, các chi tiết nhựa nội thất, toàn bộ kính (kính chắn gió, kính hông và kính cửa). Theo kế hoạch, tất cả các chi tiết này đều được sản xuất bởi chính các nhà máy sản xuất, linh kiện, phụ tùng của Thaco đang hoạt động tại Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam).
Dự án này cũng là cơ hội lớn để tiến tới sản xuất thân xe (body) ở Việt Nam, đáp ứng được mục tiêu mà Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra, góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô và các ngành công nghiệp phụ trợ khác.
Được biết, chiến lược của Tập đoàn Hyundai là sản xuất xe mini bus tại Việt Nam. Mẫu xe H350 cũng sử dụng thân xe kiểu liền khối với công nghệ hiện đại, có kết cấu hoàn toàn mới với cấu trúc dạng vòng khép kín, giúp tăng khả năng chịu lực và tăng độ an toàn tự động. Cũng bởi tính chất phức tạp về công nghệ do kết cấu thân vỏ xe có tính mới, Tập đoàn Hyundai yêu cầu Dự án chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I, Thaco phải sản xuất tối thiểu 500 bộ linh kiện CKD với thân vỏ xe đã hàn sẵn, chưa sơn tĩnh điện (nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ) và linh kiện khung gầm (nhập khẩu từ Hàn Quốc) để đáp ứng yêu cầu sản xuất thử, đánh giá về chất lượng, chuẩn hóa thiết kế và thử nghiệm các linh kiện nội địa hóa trước khi chuyển sang giai đoạn II.
Song song với việc đầu tư mở rộng sản xuất Thaco còn ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ và phân phối các sản phẩm xe tải, xe bus mang thương hiệu Fuso từ nă 2018.
Theo đó, Thaco đảm nhiểm toàn bộ mảng kinh doanh xe tải, bus Fuso tại Việt Nam bao gồm: thiết bị, sản phẩm xe, linh kiện phụ tùng, nhân sự, hệ thống đại lý và có trách nhiệm kế thừa dịch vụ sau bán. Đồng thời, Thaco cũng tổ chức sản xuất, lắp ráp tất cả các chủng loại xe tải Fuso, mẫu xe bus Rosa và sử dụng động cơ, cụm linh kiện chính yếu để sản xuất, lắp ráp các loại xe bus khác, đồng thời sản xuất linh kiện phụ tùng nội địa hóa theo tiêu chuẩn của Tập đoàn Mitsubishi Fuso Nhật Bản và Daimler – Đức.
Có thể nói, với thực tế ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn yếu, chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia đang rất ngắn việc Thaco – một doanh nghiệp tư nhân trong nước quyết tâm đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực cơ khí và công nghiệp phụ trợ để tham gia sâu hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu rất cần sự ủng hộ của Nhà nước để lớn mạnh.