Trên thực tế, hiện nay các thành phố không có quy định cấm xe tải tuyệt đối mà chỉ cấm theo giờ, dựa trên trọng lượng xe, nhằm ngăn ngừa ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông…

Quy định xe tải đi vào khu vực TP Hà Nội

Việc hạn chế các loại xe tải đi vào khu vực Hà Nội được điều chỉnh bởi Quyết định 06/2013/QĐ-UBND.

Theo đó, thời gian hoạt động của các loại phương tiện trong khu vực hạn chế được quy định như sau:

– Các loại xe ô tô vận tải có trọng lượng đến 1,25 tấn: Cấm hoạt động trong giờ cao điểm (Sáng từ 6h00 đến 9h00, chiều từ 16h 30 đến 19h30 hàng ngày);

– Các loại xe ô tô vận tải có trọng lượng từ trên 1,25 tấn trở lên, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe chuyên dùng và các loại xe máy thi công: Chỉ được phép lưu hành từ 21h00 đến 6h00 sáng ngày hôm sau và phải có giấy phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền.

Riêng:

– Các loại xe cấp nước sinh hoạt, xe chuyên dùng giải quyết các sự cố đột xuất về điện, nước, úng ngập do mưa bão, lún sụt, gãy cành, đổ cây, sự cố cầu đường: Được phép hoạt động 24h/24h hàng ngày;

– Các loại xe cắt sửa cây, xe tưới nước rửa đường, xe hút bụi, xe hút bùn, xe vận chuyển bùn phục vụ thoát nước, xe và máy sửa chữa cầu đường, xe nâng đưa người làm việc trên cao: Được hoạt động trên các đường phố trừ giờ cao điểm;

– Xe chở thực phẩm tươi sống; xe chở rau, quả có trọng lượng toàn bộ xe đến 2,5 tấn. Được hoạt động trên các đường phố, trừ giờ cao điểm.

Xe chở rau an toàn (RAT) được phép hoạt động 24/24h theo quy định của Thành phố.

– Xe vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện, báo chí bằng đường bộ; Xe chở tiền, vàng bạc, ngoại tệ: Được phép hoạt động 24h/24h hàng ngày;

– Các loại xe chuyên dùng vận chuyển rác, xe thu gom rác đẩy tay (trừ xe tham gia tổng vệ sinh phục vụ nhiệm vụ đột xuất): Chỉ được phép hoạt động trên các đường phố từ 19h30 đến 6h00 sáng hôm sau.

 Phạm vi hạn chế hoạt động của các phương tiện giao thông được giới hạn bởi các tuyến đường: Phạm Văn Đồng – Phạm Hùng – Đại lộ Thăng Long (đoạn từ đường Phạm Hùng đến nút giao đường 70) – Đường 70 (đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến đường 72) – Đường 72 (đoạn đường 70 đến đường Lê Trọng Tấn – quận Hà Đông) – Đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông) – Phúc La – Văn Phú – Phùng Hưng (quận Hà Đông – đoạn từ Phúc La đến Cầu Bươu) – Cầu Bươu – Phan Trọng Tuệ – Ngọc Hồi (đoạn từ ngã ba Phan Trọng Tuệ đến ngã ba Pháp Vân) – Pháp Vân – Cầu Thanh Trì – Nguyễn Văn Linh – Ngô Gia Tự trở vào trung tâm Thành phố.

Riêng đoạn tuyến đường đô thị sau, các phương tiện giao thông đường bộ được hoạt động trong khu vực hạn chế:

– Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ cầu Chui đến Nguyễn Sơn), Ngọc Lâm (đoạn từ cầu Chui đến Ngô Gia Khảm), Ngô Gia Khảm, cầu Vĩnh Tuy, Nguyễn Khoái (đoạn từ cầu Vân Đồn đến Minh Khai), Minh Khai (đoạn từ Minh Khai đến Nguyễn Tam Trinh), Nguyễn Tam Trinh, Pháp Vân (đoạn từ nút Pháp Vân – Cầu Giẽ đến Giải phóng), Giải Phóng (đoạn từ Pháp Vân đến Kim Đồng), Đại lộ Thăng Long – Lê Trọng Tấn (Hà Đông) – Phúc La – Văn Phú – Phùng Hưng (đoạn từ Phúc La – Văn Phú đến Cầu Bươu- quận Hà Đông) – Cầu Bươu – Phan Trọng Tuệ – Ngọc Hồi – Cầu Thanh Trì – Nguyễn Văn Linh – Ngô Gia Tự;

– Đường trên cao đoạn từ nút Mai Dịch đến nút giao Pháp Vân – Lĩnh Nam xe ô tô được phép hoạt động. Cấm người đi bộ và các loại phương tiện khác;

– Đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến (đoạn tiếp đất từ đường trên cao đi Đại lộ Thăng Long và ngược lại) các phương tiện được phép hoạt động;

– Cấm xe tải có trọng lượng toàn bộ toàn bộ của xe trên 1,25 tấn hoạt động trong giờ cao điểm trên tuyến đường Phạm Văn Đồng.

Xe tải bao nhiêu tấn được vào thành phỐ?
Xe tải bao nhiêu tấn được vào thành phố? (Ảnh minh họa)
 

Quy định xe tải đi vào khu vực TP Hồ Chí Minh

Tại Quyết định 23/2018/QĐ-UBND (sửa đổi bới Quyết định 23/2019/QĐ-UBND), TP Hồ Chí Minh quy định như sau:

– Xe tải nhẹ (bao gồm ô tô chở hàng có khối lượng chuyên chở dưới 1.500 kg trừ xe bán tải, ô tô tải có khối lượng chuyên chở từ 1.500 kg đến 2.500 kg và xe thí điểm) không được phép lưu thông vào khu vực nội đô thành phố từ 06 giờ đến 09 giờ và từ 16 giờ đến 20 giờ hàng ngày;

– Xe tải nặng (bao gồm ô tô tải có khối lượng chuyên chở trên 2.500 kg, máy kéo, xe máy chuyên dùng, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô) không được phép lưu thông vào khu vực nội đô thành phố từ 06 giờ đến 22 giờ hàng ngày.

Riêng, một số phương tiện được thông qua phương án lưu thông tạm thời vào giờ hạn chế lưu thông, gồm:

– Xe tải phục vụ cho việc sửa chữa sự cố công trình điện của các Công ty trực thuộc Điện lực, các doanh nghiệp có chức năng truyền tải, phân phối điện năng;

– Xe tải phục vụ cho việc ứng cứu thông tin, sửa chữa sự cố của các Công ty trực thuộc Bưu điện, Viễn thông;

– Xe tải phục vụ cho việc làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

– Xe tải phục vụ cho việc bảo trì, sửa chữa sự cố, ứng cứu thiên tai lĩnh vực chiếu sáng công cộng, đèn tín hiệu giao thông, cầu, đường, cấp nước, thoát nước, cây xanh của các doanh nghiệp thực hiện công tác cung ứng sản phẩm dịch vụ công;

– Xe tải vận chuyển máu, chế phẩm máu, ôxy và vắc-xin của doanh nghiệp vận tải có hợp đồng vận chuyển, cung cấp cho bệnh viện, trung tâm y tế, điểm tiêm chủng;

– Xe tải vận chuyển dụng cụ, thiết bị của các cơ quan, đoàn thể, cá nhân phục vụ lễ hội, sự kiện tại thành phố theo chủ trương, kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố;

– Xe tải vận chuyển đạo cụ các đoàn múa Lân Sư Rồng phục vụ Tết Nguyên Đán hàng năm theo đề nghị bằng văn bản của Sở Văn hóa và Thể thao;

– Xe tải chuyên dùng phục vụ vận chuyển tiền, vàng bạc đá quý của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước;

– Xe tải chuyên dùng cứu hộ giao thông của doanh nghiệp có chức năng cứu hộ giao thông (tham gia xử lý cẩu, kéo, chở xe ôtô bị sự cố, tai nạn giao thông).

– Xe tải chuyên dùng vận chuyển nước sạch phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân;

– Xe tải nhẹ phục vụ vận chuyển phát hành thư, báo, bưu phẩm, bưu kiện của Bưu điện; Xe thư viện số lưu động;

– Xe tải nhẹ vận chuyển dịch vụ thư của các doanh nghiệp được Sở Thông tin và Truyền thông hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép cung ứng dịch vụ chuyển phát thư hoặc giấy phép bưu chính để vận chuyển dịch vụ thư;

– Xe tải nhẹ (thùng kín, đông lạnh) vận chuyển một số loại thực phẩm tươi sống (thịt, cá, thủy hải sản), hoa tươi, con giống xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có chức năng mua bán, chế biến thực phẩm tươi sống;

– Xe tải nhẹ vận chuyển suất ăn công nghiệp, một số loại thực phẩm tươi sống (thịt, cá, thủy hải sản) của doanh nghiệp có chức năng vận chuyển suất ăn công nghiệp hoặc chế biến thực phẩm tươi sống phục vụ các trung tâm xã hội, trường học, bệnh viện, siêu thị;

– Xe tải nhẹ vận chuyển một số loại thực phẩm (thịt, cá, thủy hải sản, trứng, rau, củ, quả tươi) của các doanh nghiệp tham gia chương trình Bình ổn thị trường theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố.

05 loại phương tiện được xem xét thông qua phương án lưu thông tạm thời trong các khoảng thời gian từ 09 giờ đến 16 giờ và từ 20 giờ đến 22 giờ, gồm:

– Xe tải nặng vận chuyển các loại vật tư, thiết bị phục vụ thi công một số hạng mục đặc thù thuộc các công trình trọng điểm của thành phố;

– Xe tải nặng vận chuyển chất thải nguy hại;

– Xe tải chuyên dùng vận chuyển xăng dầu phục vụ hoạt động hàng không;

– Xe tải chuyên dùng vận chuyển rác thải sinh hoạt, rác thải y tế.

Khu vực nội đô TP Hồ Chí Minh được giới hạn bởi các tuyến đường như sau:

+ Hướng Bắc và hướng Tây: đường Quốc lộ 1 (đoạn từ giao lộ Quốc lộ 1 – Xa Lộ Hà Nội đến giao lộ Quốc lộ 1 – đường Nguyễn Văn Linh).

+ Hướng Đông: Xa Lộ Hà Nội (đoạn từ giao lộ Quốc lộ 1 – Xa Lộ Hà Nội đến nút giao thông Cát Lái) – đường Mai Chí Thọ – đường Đồng Văn Cống (đến đường Võ Chí Công).

+ Hướng Nam: đường Võ Chí Công (từ đường Đồng Văn Cống đến cầu Phú Mỹ) – cầu Phú Mỹ – đường Trên cao (từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Khu A Nam Sài Gòn) – đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ nút giao Khu A Nam Sài Gòn đến Quốc lộ 1).

Xe tải nhẹ và xe tải nặng được lưu thông không hạn chế thời gian trên các tuyến vành đai giới hạn nêu trên.

>> Không có biển cấm, đỗ xe ở 11 nơi này vẫn bị phạt